Passive House là khái niệm đặc biệt phổ biến tại Đức, Áo, Hà Lan và các nước Bắc Âu. Ý tưởng này cũng đã lan truyền sang Mỹ và dần biến Trung Quốc thành thị trường mới nổi. Tại Ý, Passive House đã được đưa vào ứng dụng được một vài năm. Tại các quốc gia như Áo, Passive House sẽ trở thành tiêu chuẩn chính sử dụng cho các công trình công cộng từ năm 2015. Tất cả những sự phát triển của Passive House đều bắt nguồn từ Viện Passive House tại Darmstadt, Đức – viện nghiên cứu và chuyên cấp chứng chỉ Passive House được thành lập bởi Giáo sư – Tiến sĩ Wolfgang Feist, người đồng thời cũng là vị cha đẻ của Passive House.
Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa Tiến sĩ Feist và phóng viên của VF (Views from the field).
Tiến sĩ Feist, liệu ông có thể giới thiệu sơ qua về Viện Passive House?
Viện Passive House là trung tâm nghiên cứu độc lập chuyên về thiết kế công trình hiệu quả năng lượng. Kể từ khi thành lập vào năm 1996, viện đã tham gia phát triển và cải biên nhiều bộ tiêu chuẩn khác nhau. Với mục đích định hướng rõ ràng hơn cho kiến trúc sư, chúng tôi cũng đã phát minh ra PHPP (Passive House Planning Package – Gói hỗ trợ thiết kế công trình thiết kế thụ động) đi kèm với công cụ 3D designPH. Các nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào việc áp dụng khái niệm Passive House cho nhiều kiểu khí hậu khác nhau. Đồng thời Viện cũng đang giám sát, theo dõi những công trình Passive House đã được cấp chứng chỉ.
Vậy ông có thể cho biết nguyên lý hoạt động và các đặc điểm chính của Passive House?
Tiêu chuẩn Passive House là một khái niệm thiết kế nhằm thúc đẩy môi trường bền vững. Để đạt được điều đó, thiết kế này giảm thiểu mức năng lượng sử dụng và đồng thời cũng cung cấp môi trường sống lành mạnh hơn. Công trình được thiết kế mang lại điều kiện vi khí hậu và tiện nghi nhiệt tối ưu cho người sử dụng. Năm nguyên tắc chính được đưa áp dụng, gồm: 1) cách nhiệt hiệu quả cho lớp vỏ công trình; 2) cải thiện tính năng của cửa, cửa sổ; 3) môi trường kín khí; 4) triệt tiêu hiện tượng cầu nhiệt; 5) hệ thống thông gió hiệu quả với khả năng thu hồi nhiệt và kiểm soát độ ẩm. Những nguyên tắc kể trên có thể giảm năng lượng sử dụng xuống mức 10W/m2, áp dụng cho cả khí hậu nóng và lạnh. Hiểu một cách đơn giản, năng lượng tiêu thụ có thể giảm tới 90%, mức tiện kiệm năng lượng này sẽ giúp bù đắp vào chi phí đầu tư ban đầu.
Hiện nay trên thế giới đã có bao nhiêu công trình đã được công nhận bởi Viện Passive House?
Con số này có thể lên tới gần 10,000 công trình phần lớn đều được xây dựng tại khu vực Trung Âu. Cũng đừng lấy làm bất ngờ bởi quá trình phát triển đã kéo dài trong suốt gần 20 năm qua. Gần đây, chúng tôi để ý thấy hiện đang có bước chuyển mình hướng tới những khu vực địa lý khác nhau. Nghiên cứu chỉ ra rằng ý tưởng Passive House có thể được đưa vào ứng dụng cho mọi kiểu khí hậu. Chính vì vậy, chẳng có gì là khó hiểu khi hiện nay đã có những công trình Passive House tại Trung Quốc, Mexico, New Zealand và Canada. Số lượng công trình Passive House có thể còn lớn hơn nhiều so với số lượng được chúng tôi cấp chứng nhận.
Công chúng cho rằng Passive House rất tốn kém và nó chỉ dành cho giới thượng lưu, ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cho rằng đây là lập luận sai lầm. Ngược lại, một trong những ưu điểm chính của Passive House chính là tính hiệu quả về mặt kinh tế. Tại nhiều thành phố ở Đức và Áo, các cơ quan nhà ở của thành phố đã chọn giải pháp Passive House cho nhiều dự án nhà ở xã hội của họ. Tất nhiên Passive House cần tới mức đầu tư cao hơn dành cho kết cấu, thiết bị hiệu quả năng lượng như cửa sổ, hệ thống thông gió; đồng thời thì việc xây dựng Passive House cũng cần tới nhân công có tay nghề. Tuy nhiên, mức đội giá thành chỉ tầm từ 6-7% và con số này đang ngày được giảm xuống khi mà số lượng kiến trúc sư, nhà thầu có kinh nghiệm với Passive House đang ngày một tăng lên. Lợi ích thực sự của việc sinh sống trong công trình Passive House có thể duy trì trong tương lai dài, như tôi đã nói ở trên, nó đòi hỏi cực ít năng lượng để hoạt động.
Vậy thưa ông, đâu là sự tiết kiệm xét trên khía cạnh năng lượng và mức phát thải khí nhà kính?
Tôi nghĩ nó phụ thuộc vào việc bạn đang so sánh Passive House với cái gì. Nếu so sánh Passive House với công trình xây dựng truyền thống thì mức năng lượng tiết kiệm được có thể lên tới 90%. Năng lượng cần thiết cho quá trình sưởi, làm mát công trình Passive House được lấy từ các nguồn năng lượng tái tạo, chính vì thế, mức phát thải khí nhà kính được giảm hoàn toàn xuống mức bằng không.
Liệu có thể cải tiến công trình hiện có thành Passive House hay chúng ta sẽ phải xây dựng lại từ đầu?
Bạn có thể hoàn toàn biến đổi và cải tiến công trình hiện có trở nên hiệu quả năng lượng hơn. Tuy nhiên, trong thực tế thì thông thường đấy không phải là lựa chọn hiệu quả nhất và chúng tôi thường không khuyến cáo điều này. Tùy theo kiểu công trình, địa điểm xây dựng và một vài khía cạnh kỹ thuật khác, chúng tôi khuyến cáo nên xây dựng lại từ đầu với đầy đủ các tiêu chí tuân thủ theo tiêu chuẩn Passive House. Trong trường hợp cải tạo thì mục tiêu là đạt được tiêu chuẩn EnerPHit thông qua việc áp dụng thêm các công nghệ mới vào hệ thống hiện có.
Ông có nghĩ rằng chúng ta sẽ có cơ hội chứng kiến sự lan rộng của loại hình công trình này trong thời gian sắp tới hay nói cách khác, liệu xã hội (về mặt văn hóa) đã sẵn sàng cho sự thay đổi lớn này?
Tất cả những gì tôi có thể nói đó là chỉ ra rằng trong thực tế, số lượng công trình Passive House vẫn đang không ngừng tăng. Tôi cũng khá tự tin vào tương lai của sự tăng trưởng này. Chống lại sự biến đổi khí hậu và giảm mức tiêu thụ năng lượng đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Và Passive House là giải pháp thực tiễn và hấp dẫn nhất về mặt kinh tế lẫn môi trường.
(Theo http://e4g.org/)