Blog

Nhà, nhà tắm với cửa sổ

   Cái cửa sổ theo nghĩa cổ truyền là một lỗ mở trên tường, không phải cửa đi mà chỉ để nhìn ra ngoài hoặc thông gió. Theo nghĩa đó, cửa sổ là một đặc điểm của nhà châu Âu thời tiền hiện đại, với kết cấu tường chịu lực. Về lý thuyết, cửa sổ trong thể loại kiến trúc này là một yếu tố công năng mâu thuẫn với kết cấu kiến trúc, vì lỗ thủng của nó làm giảm độ vững của tường. Vì thế nhà có hệ tường đặc càng ít cửa sổ càng dễ đẹp. Về điểm này, Lecorbusier đã phê phán rất sắc sảo, không cần nhắc lại.

   Trong kiến trúc hiện đại, một đặc trưng là hệ cột chịu lực. Lecorbusier định nghĩa kiến trúc hiện đại là những mặt sàn sáng. Phần bao che giữa các cột chủ yếu là kính, tạo thành hệ thống kính băng ngang, một trong những đặc điểm của kiến trúc hiện đại. Nếu theo cách hiểu truyền thống, băng kính này không còn gọi là cửa sổ, vì nó không có khung không gian được định nghĩa rõ như cửa sổ truyền thống. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm công năng của cửa sổ là ngăn cách trong với ngoài, nhưng vẫn cho phép nhìn qua kính ra ngoài vẫn được giữ ở những băng kính này. Vì vậy có thể coi chúng là những panoramic windows. Sự trong suốt của kính là mấu chốt của concept transparent, một yếu tố có xuất phát điểm từ 2 gốc lớn nhất trong văn hóa phương Tây: thứ nhất, transparent tượng trưng cho dân chủ, cởi mở, một tư tưởng tiếp thu từ thời Hy Lạp, và thứ hai, nó là sự xuyên suốt của ánh sáng, đồng nghĩa với sự thẩm thấu của đức chúa vào trong (vì chúa là ánh sáng) cũng như sự hòa đồng, hướng tới chúa của con người. Đây là một tư tưởng có gốc thiên chúa giáo và đã từng đạt một đỉnh cao ở Gotik, đỉnh cao tiếp là ở hiện đại. Nói tóm lại, người phương Tây cần phải được cách ly khỏi bên ngoài, việc cách ly này cũng là một nhu cầu thuộc loại archetype, xuất phát từ quan điểm đầu tiên cho là tự nhiên gồm những thế lực đe dọa và con người cần được bảo vệ trong một vỏ bọc. Nhưng đồng thời về thị giác phải nhìn được ra ngoài và hòa đồng với bên ngoài. Cái cửa sổ, nhất là cử sổ kính, chính là bộ phận đảm nhiệm công năng này. Vì thế, nó có thể được coi là bộ phận quan trọng nhất trong một ngôi nhà phương Tây, và thường nhìn vào đó, người ta sẽ dễ nhận ra không khí tây nhất.
   Về truyền thống Á Đông, vốn chủ yếu là kiến trúc vì kèo gỗ. Kiến trúc này tạo một bộ khung định vị không gian nhưng không ngăn cách trong với ngoài. Vì thế Pavillon, tức là một công trình chỉ có cột và mái có thể được coi là đơn nguyên kiến trúc hoàn chỉnh. Nếu do nhu cầu sử dụng, cần phải đóng một phần thân nhà để ngăn cách với bên ngoài thì sẽ là dạng vách ngăn chạy suốt từ ngưỡng dưới đến ngưỡng trên, tức là dạng như cửa bức bàn. Ở những công trình quan trọng như đình, đền chùa, các nhà dân giàu có, cửa bức bàn có thể chạy hết cả mặt tiền. Trong kết cấu gỗ truyền thống, không có cơ sở nào để lắp cửa sổ. Vì thế, cũng không có dạng cửa sổ nào đặc biệt, độc đáo, mà chỉ là những lỗ khoét vớ vẩn ở tường phòng ngủ, tường sau, nhằm thông thoáng và có thể thỉnh thoảng ngó ra chống trộm.
   Về mặt triết học, Á đông luôn có tư tưởng nhìn vào trong hơn là nhìn ra ngoài. Kiến thức, ngộ đạo đều là do nhìn vào tâm chứ không đến từ bên ngoài. Năng lượng cần từ bên ngoài nhập vào bên trong, như một cái túi hút tiền vào, chứ không khuyến khích luồng năng lượng từ trong hướng ra ngoài. Điều quan trọng trong kiến trúc là dòng khí vô hình, chứ không phải tầm nhìn. Có thể quan sát trong cấu trúc nhà cổ và khuôn viên cổ rất rõ. Ngay từ cổng vườn đã phải chặn lại, ngoài không nhìn thẳng vào, trong không nhìn thẳng ra, mà khí thì đi vòng vào. Đến trước cửa nhà chính thường lại chặn một lần nữa bằng bình phong, hoặc non bộ. Tiếp đến hiên thì chặn bằng giại tre thẳng đứng. Trong nữa là đến cửa bức bàn. Trong nhà, trọng tâm là bàn thờ ở gian giữa, và không gian xung quanh nói chung là đóng, để tập trung vào gian này. Khi cần cho thông khí thì có các lỗ thông hơi dưới sàn, trên tường, trên mái. Cần mở nữa thì mở hẳn cửa bức bàn. Nhưng ngay khi mở, người ngồi trong cũng không có tư thế nhìn trực diện ra ngoài.
   Tóm lại, theo triết lý Á Đông, thân xác là nhà của tâm hồn, tuy có mắt để nhìn ra, nhưng đạo lý chính là nhìn vào trong. Vì thế những thứ mắt thấy không được coi trọng như tâm thấy, và do đó có mắt hay không cũng không quan trọng lắm, thậm chí có mắt càng dễ làm rối tâm. Ngôi nhà là thân xác của hoạt động con người, cũng có thể có mắt để nhìn ra, nhưng đạo lý cũng là tạo môi trường, không gian thích hợp để thu vào, nhìn vào trong. Như vậy, xét cả về truyền thống kiến trúc lẫn phong tục tập quán sống, triết lý sống, người châu Á đều có thể không cần một cửa sổ kính để làm giao diện với bên ngoài.
(Còn các giải pháp thông hơi thì lại có thể rất nhiều, không nhất thiết là cửa sổ. Thông khí là vấn đề rất quan trọng, từ cả góc độ kỹ thuật, để đảm bảo điều kiện sống trong không gian nóng ẩm lẫn góc độ triết lý, phong thủy. Ý nghĩa của hệ thống thông khí đối với kiến trúc Việt nam có thể còn quan trọng hơn đối với phương tây.)
Nhà tắm:
Nếu ta chỉ coi nhà tắm là một nơi làm vệ sinh thân thể đơn thuần thì không có gì phải bàn, cốt làm sao rẻ, sạch, tiện dụng là được. Nhưng khi nói đến việc tắm như một trải nghiệm cơ bản, một phần quan trọng của cuộc sống tâm linh, văn hóa thì lại khác. Khi đó phải hiểu trọng tâm của nhà tắm là nước. Trải nghiệm tắm là một trải nghiệm của sự hòa đồng với nguyên tố nước mà khi đó, việc tẩy rửa cơ thể hay tâm linh chỉ là một tác dụng. Nước trong tự nhiên xuất hiện dưới rất nhiều dạng: nước có thể động như mưa, bão, sông suối, sóng biển, thác đổ, giếng phun. Nước lại cũng có thể tĩnh như mặt gương. Nước có thể trong có thể đục, có sâu có nông, có to lớn như biển cả, có nhỏ như một cái vũng, một giọt sương. Nước cũng có thể nóng, lạnh, đóng băng, sôi sục, bốc hơi v.v. Mỗi một trạng thái đều có thể cho ta những trải nghiệm, những ấn tượng, tạo ra những tác dụng nhất định đối với cơ thể, tâm linh. Và vì thế, trong tự nhiên, chúng ta có thể cảm thấy hứng thú khi tắm sông, tắm suối, tắm mưa, tắm thác, tắm bùn, tắm ao, tắm nóng, tắm lạnh, tắm hơi v.v. tùy từng hoàn cảnh. Tuy nhiên, một điều rất rõ là mỗi một trạng thái nước nói trên ở tự nhiên đều đi kèm rất nhiều điều kiện môi trường, làm cho nó trở nên có hồn. Ví dụ trước khi trời mưa to thường sẽ oi bức, nóng nực, hoặc khô hạn, vì thế, trận mưa rào xuống tự nhiên có tác dụng giải thoát, và vì thế ta thích tắm mưa. Biển có cái lớn của biển, vũng nước đọng trên vách đá có cái thi vị của nó, vì thế mà ta thích tắm ở đó. (tất nhiên nước trong tự nhiên không phải luôn xuất hiện dưới dạng hài hòa, và vì vậy không phải lúc nào, chỗ nào ta cũng muốn tắm)
   Trở lại với nhà tắm, rõ ràng là ta không thể tạo ra những bối cảnh tự nhiên hoàn hảo của nước, mà chỉ có thể tạo ra những đặc điểm vật lý nhất định như nóng, lạnh, hơi, dưới dạng tĩnh hay động. Vòi hoa sen không thể được như mưa rào, hay như thác, bồn tắm cũng không thể như biển, như hồ ao. Bởi vậy, mọi sự copy, làm giả từ tự nhiên đều dẫn đến những sản phẩm thiếu thuyết phục. Vì thế, chúng ta không nên để những trạng thái cụ thể của nước ngoài tự nhiên làm cho rối loạn, mà phải tập trung vào một khái niệm nước cốt lõi, bản chất. Dù ở trạng thái nào, điều quan trọng là phải tập trung vào nước, khiến cho nước trở thành trung tâm. Có thể nói nhà tắm là đền thờ của nước. Những gì làm cho nước suy yếu, ta phải loại trừ, và những gì tôn vinh nước, ta có thể đưa vào. Khi đó, việc tắm có thể trở thành một kinh nghiệm tâm linh về sự hội nhập với một trong những yếu tố quan trọng nhất của cuộc sống.
Vậy cốt lõi của nước là gì, khi nào nó được nhấn mạnh, khi nào nó bị lu mờ? Những vật liệu nào, chi tiết nào, bố cục nào v.v. có thể hướng tới đền thờ của nước, đấy là cả một vấn đề rất phức tạp, không thể phân tích hết ở đây. Ở đây, chúng ta quay lại vấn đề cửa sổ, một chi tiết nhỏ.
Tuy nước có nhiều trạng thái, nhưng nó có những đặc tính, tinh thần cơ bản chí ít là theo cách người Á đông cảm nhận. Những đặc tính này được mô tả trong hành Thủy của Ngũ hành và quẻ Khảm của bát quái. Chúng ta cũng không thể bàn hết ở đây, nhưng có thể hiểu sơ sơ là Thủy có một số đặc tính cơ bản là: hướng về chỗ thấp, màu tối, tính lạnh, mềm mại, tĩnh lặng, sâu kín, có tính tẩy rửa, bào mòn, và cũng hàm chứa nguy hiểm. Thủy hỏa là cặp kỳ phùng địch thủ, luôn đối đầu nhau và giao thoa với nhau để tạo nên vạn vật, vì thế, tương phản thủy hỏa cũng là một trong những điểm nhấn, tạo sự sống động. Hỏa có tượng nóng, màu đỏ hoặc màu nóng khác, vật liệu nhẹ, sặc sỡ, hình dáng sắc nhọn. Hỏa nguyên chất có dạng lửa, nhiệt hoặc ánh sáng. Thông thường thủy khắc được hỏa, vì vậy dùng tương khắc này có thể làm tôn thủy, giống như kẻ hầu người hạ làm tôn vua. Những dạng hỏa dễ bị thủy khắc nhất là loại lửa nến, có tính chập chờn, mong manh. Nhưng nếu hỏa quá mạnh mà thủy yếu thì hỏa có thể lấn thủy, làm bốc hơi nước. Khi đó ta gọi là ngũ hành tương phản, là hiện tượng chí ít là không tốt trong một đền thờ hành thủy. Ánh sáng mặt trời, sau đó là các loại ánh sáng điện treo trên trần là loại hỏa không bị thủy thông thường khắc. Vì thế, ánh sáng này mang lại suy yếu cho hành thủy. Trong khu vực tắm, vì thế không được có ánh sáng trực tiếp, từ ngoài cũng như từ đèn. Nếu có đèn thì phải ẩn sau làn nước, dưới nước, hoặc chỉ phản chiếu mờ mờ đâu đó. Còn ánh sáng mặt trời thì càng yếu càng tốt. Cửa sổ kính bình thường tạo sự tập trung của luồng sáng mặt trời. Cửa càng nhỏ, luồng sáng càng rõ, trừ phi là phòng rất tối, rất cao. Trong một nhà tắm sáng trưng, có cửa sổ nhìn ra cảnh đẹp, ta có thể thưởng thức cảnh quan, không khí, nhưng không thể tập trung vào việc tắm. Việc hòa đồng với hành thủy đòi hỏi sự tĩnh lặng, lắng xuống, đi vào sâu, và do đó nhìn chung là trong bóng tối. Càng tối, yếu tố nước sẽ càng được cảm nhận mạnh mẽ. Nếu tối đen, một bồn tắm bình thường cũng có thể mang lại trải nghiệm sâu thẳm, và cảm nhận về hiểm họa như giữa vực nước sâu.
   Một nhà tắm sáng choang, bóng lộn, trắng tinh không tỳ vết, đầy kính mà ta vẫn hay gặp ở các nhà sang trọng hiện đại không hỗ trợ trải nghiệm hòa đồng với nước, mà tập trung vào việc tẩy uế, sát trùng. Khi vào đó, bản thân chúng ta lập tức hiện nguyên hình là rác rưởi, bẩn thỉu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, khi bước từ một nhà tắm đó ra, ta ít thấy cảm giác mình sạch sẽ hơn bằng việc mình đã làm bẩn nó, và vì thế, phản xạ đầu tiên sẽ là tìm xem có vết bẩn nào ở đâu không thì lau dọn trước, thậm chí không còn nhớ phải lau người mình, nếu không muốn nghĩ đến hình ảnh một bà nội trợ sẽ phải lao ngay vào nhà tắm hì hục lau dọn khi mình vừa bước ra.
Nói lằng nhằng dài dòng, chốt lại một điều: nhà chưa chắc cần cửa sổ, nhà tắm lại càng chắc không cần. Nhưng hệ thống thông gió thì không được quên.
 tumblr ncerfb1rTa1qz7oqto1 1280
Takefumi Aida: Nirvana House und Annihilation House
mies van der Untitled-1

Crown halls - Mies van der Rohe Thiền viện Nhật bản
Mies van der Rohe là một trong những kiến trúc sư châu Âu nổi tiếng về kết hợp triết lý Á đông trong kiến trúc Nhật bản với triết lý phương Tây. Tuy nhiên Crown hall của ông và một thiền viện của Nhật có nhiều điểm tương đồng về hình thức, nhưng lại khác nhau về bản chất. Trong ảnh thiền viện, vị sư mở cửa cho thông khí trong ngoài, nhưng lại ngồi cạnh cửa, cảm nhận sự lưu thông đó chứ không nhìn ra ngoài. Bản thân thiền sư hướng cái nhìn vào trong tâm. Cái cửa này do đó không phải cửa sổ về bản chất. Trong khi đó, trong Crown hall, thiết kế cho thấy rõ là người sử dụng sẽ đứng tựa lan can cửa sổ để nhìn ra cảnh quan bên ngoài. Cửa kính của Mies có thể nói là giả mở, vì trong suốt, tức là mở tầm nhìn, nhưng thực là đóng. Trong khi đó cửa thiền viện trong ảnh là mở thật, nhưng người sử dụng không quan tâm đến mở tầm nhìn, mà chỉ quan tâm đến mở khí.
Tadao ando
Nhà ở của Ando Tadao.

Bài: Phó Đức Tùng

 

Album